Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có quy định về tám trường hợp được miễn cấp Giấy phép xây dựng. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung này và cho rằng, cần quy định rõ trường hợp các dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý.
Theo Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có 8 trường hợp được miễn cấp Giấy phép xây dựng. (Ảnh: TL) |
Giấy phép xây dựng đang bị “lạm dụng”?
Khoản 17, Điều 3, Luật Xây dựng 2014 nêu khái niệm cụ thể về Giấy phép xây dựng. Theo đó, Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Việc xin Giấy phép xây dựng đối với các dự án, công trình được coi là cơ sở đảm bảo quản lý Nhà nước về xây dựng, đặc biệt là việc xây dựng theo quy hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Điều này góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong xây dựng công trình, đồng thời tạo điều kiện kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng.
Từ cơ sở pháp lý nêu trên, giấy phép xây dựng vì đó được coi như tấm vé “thông hành” để các chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có việc, nhiều dự án, công trình được cấp phép xây dựng nhưng xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch, thậm chí nhiều công trình được xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Đơn cử tại Từ Sơn (Bắc Ninh), trong khuôn viên Khu liên hợp khoa học – Đào tạo (cơ sở 2 trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) do Hội Kinh tế Việt Nam làm cơ quan chủ quản, khu đất được quy hoạch làm các viện và trung tâm nghiên cứu “bỗng dưng” được “hô biến” thành 3 căn biệt thự tráng lệ. Sau khi có sự vào cuộc của Báo điện tử Xây dựng, phía Sở Xây dựng Bắc Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện 3 công trình nêu trên đều xây dựng không phép, sai quy hoạch và sai thiết kế đô thị. UBND tỉnh Bắc Ninh và Sở Xây dựng Bắc Ninh đã ra văn bản yêu cầu phía Hội Kinh tế Việt Nam phải tự tháo dỡ và xử lý nhưng đến nay sự việc dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Đó là chưa kể có nhiều trường hợp xin giấy phép xây nhà ở nhưng sau đó lại sử dụng vào mục đích khác như làm nhà xưởng, nhà 3 chung (chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà), làm cơ sở thờ tự… Đây cũng là căn nguyên khiến cho công tác quản lý trật tự xây dựng trở lên phức tạp và khó xử lý.
Nhằm hạn chế những bất cập này, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp Giấy phép xây dựng (tại các Điều 89, 91, 94, 95, 96, 102, 103, 106, 107 Dự thảo Luật) theo hướng: rà soát đối tượng công trình được miễn Giấy phép xây dựng cho phù hợp; mở rộng đối tượng công trình được cấp Giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng. Đồng thời tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh; rút ngắn thời gian cấp Giấy phép xây dựng; bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng; sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình; thống nhất quy định về cấp Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Cụ thể, tại Điều 89, Dự thảo Luật quy định về tám trường hợp không cần Giấy phép xây dựng, trong đó có các trường hợp như: Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới bảy tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa...
Cần siết chặt
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, hiện nay, quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; còn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép; tình trạng được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay Chứng nhận thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy; việc thực hiện quyết định phạt vi phạm hành chính nhiều nơi còn chưa quyết liệt, triệt để.
“Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với Dự thảo Luật cần quy định việc miễn giấy phép xây dựng với đối với các công trình đã được thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, quy trình cấp giấy phép đã đơn giản hơn, bỏ bớt các công đoạn không cần thiết. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai”.
Về trật tự xây dựng ở nông thôn, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng ở địa bàn chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị được phê duyệt thuộc đối tượng miễn cấp Giấy phép xây dựng. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của từng địa phương. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng ở nông thôn (đặc biệt là khu vực giáp ranh nông thôn, đô thị; khu vực có định hướng phát triển đô thị, khu vực danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn…) trong thời gian vừa qua phát triển với tốc độ khá nhanh, bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, nếu không kịp thời điều chỉnh có thể gây hệ lụy lâu dài. Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần nghiên cứu, có lộ trình quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho từng loại, cấp công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của đất nước.
Cho ý kiến về nội dung này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu) – thành phố Hà Nội lại cho rằng: Cấp giấy phép xây dựng tại Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 đã xác định yêu cầu cần thiết là điều tiên quyết để khởi công xây dựng công trình, đồng thời quy định cụ thể 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Trong Dự thảo lần này đã có điều chỉnh và xác định cụ thể 8 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
“Vai trò của Giấy phép xây dựng Luật Xây dựng năm 2014 quy định chặt chẽ hơn như phải có giấy phép trước khi khởi công xây dựng công trình, song đến Dự thảo lần này chỉ xác định chủ đầu tư có giấy phép xây dựng là chưa chặt chẽ, dễ bị lợi dụng và khó kiểm soát theo trình tự xây dựng. Trong dự thảo tại Khoản 5, Điều 89 có quy định “với dự án gồm nhiều công trình thì giấy phép xây dựng có thể cấp cho một, một số hoặc tất cả công trình”. Đây là quy định cần nghiên cứu kỹ hơn, chưa tương đồng với yêu cầu phê duyệt dự án, thẩm định, thiết kế và dễ sinh việc điều chỉnh cục bộ so với dự án đã duyệt không đảm bảo đồng bộ”, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Gia Yên - Nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho rằng: “Trong cấp phép xây dựng, người cấp phép phải có trách nhiệm rất cao, phải hiểu biết về kiến trúc, đạo đức nghề nghiệp, anh cấp rồi phải có trách nhiệm kiểm tra theo bản vẽ, giả thuyết người dân muốn điều chỉnh, cần thiết phải điều chỉnh luôn cho họ… Tôi cho rằng, những phố cổ, những tuyến đường đã ổn định nhiều năm phải tiến hành thiết kế đô thị và cần xem xét cụ thể những trường hợp phải cấp phép và miễn cấp phép, đối với trường hợp không được miễn phép thì phải lấy cơ sở thiết kế đô thị để cấp phép, chứ cấp phép như hiện nay là không có cơ sở gốc”.
Minh Châu
- Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xây dựng
- Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đào tạo hai nghề mới
- Gói ưu đãi hỗ trợ tín dụng 50.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB)
- Dự án TTTM - DV Chợ đầu mối Bàu Năng: Tiếp tục gặp khó khăn về nguồn đất san lấp
- Chi hội nhà thầu Bến Lức chăm lo cuối năm cho dân nghèo
- Gặp mặt đầu năm và đối thoại với ngân hàng về giải pháp vốn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng