Dự án Trung tâm thương mại- dịch vụ chợ đầu mối Bàu Năng: Vì sao chưa khởi công?
Chợ đầu mối tại cầu K13 thuộc địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu đã hình thành từ hơn 20 năm trước đây. Sự ra đời của khu chợ này bắt nguồn từ nhu cầu tập kết hàng nông sản do nông dân trong vùng sản xuất để chở đi tiêu thụ ở các chợ khác trong và ngoài tỉnh.
Sản xuất hàng nông sản ngày càng phát triển thì hàng hoá tập trung về chợ ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất chợ thì lại không phát triển theo. Sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, giữa năm 2010, một doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại- dịch vụ- chợ đầu mối (TTTM-DV-CĐM) Bàu Năng tại khu vực cầu K13 khiến cho nhiều hộ tiểu thương phấn khởi. Thế nhưng…
Một dự án đầu tư cần thiết
Ở Tây Ninh, từ nhiều năm qua, chợ đầu mối cầu K13 là một trong những dự án được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Đây không chỉ là dự án nhằm mục đích xây dựng chợ tập kết hàng nông sản mà còn xây dựng điểm dừng nghỉ, dịch vụ phục vụ khách du lịch đến tham quan Tây Ninh bởi vì tuyến đường du lịch chính đi qua khu vực này. Trước đây đã có một số nhà đầu tư tới khảo sát nhưng chưa đi đến quyết định xin chủ trương đầu tư. Năm 2010, Công ty Cổ phần Saigon Architecture Engineering (gọi tắt là S.A.E) chuyên tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát và quyết định lập dự án xin chủ trương đầu tư. Theo Công ty CP A.S.E, qua nhiều lần nghiên cứu thực tế cho thấy khu vực cầu K13 có khả năng phát triển thành TTTM-DV-CĐM bởi vì ngoài hơn 40 tiểu thương đang buôn bán hàng nông sản tại đây còn có thể phục vụ cho hàng triệu lượt khách du lịch đi qua hàng năm để tham qua các thắng cảnh như: hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, Toà thánh Tây Ninh… Do đó, Công ty CP S.A.E quyết định lập dự án đầu tư tại đây.
khu chợ đầu mối K13 hiện nay vẫn như cũ.
Theo Dự án TTTM-DV-CĐM của Công ty CP S.A.E thì khu vực triển khai dự án nằm cặp đường 781 và bờ kênh chính Tây trên diện tích rộng 3,5 ha phía sau khu chợ tạm hiện nay. Trên diện tích đó sẽ xây dựng 3 khu chính là: nhà lồng chợ, khu thương mại- dịch vụ, khu nhà phố và biệt thự song lập. Khu nhà lồng chợ là khu tập trung hoạt động bán buôn hàng nông sản phục vụ các tiểu thương hiện có tại khu chợ tạm, có diện tích khoảng 3.700m2 với sức chứa cho khoảng 100 hộ kinh doanh và trước khu chợ là bãi đậu xe vận chuyển hàng hoá. Khu thương mại- dịch vụ có diện tích gần 13.000m2, gồm: nhà siêu thị bán lẻ 2 tầng, nhà hàng ăn uống, nhà khách và bãi đậu xe phục vụ khách du lịch. Còn khu nhà ở có diện tích khoảng 8.300m2, trên đó xây dựng 28 căn biệt thự song lập và 56 căn nhà phố liên kế. Để phục vụ hoạt động cho cả 3 khu trên, Dự án dự kiến sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: đường giao thông; trạm điện; hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt, xử lý nước thải, kho lạnh, công viên… Tổng mức đầu tư thực hiện Dự án khái toán khoảng hơn 80 tỷ đồng. Theo lộ trình của Công ty CP S.A.E thì thời gian thực hiện dự án là 3 năm- kể từ khi có quyết định giao đất. Cụ thể là năm thứ nhất thực hiện đền bù giải toả, san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Năm thứ hai tiến hành xây dựng 3 khu chức năng chính và năm thứ 3 là hoàn thiện dự án và các thủ tục pháp lý.
Giữa tháng 9.2010, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho Công ty CP S.A.E đầu tư xây dựng TTTM-DV-CĐM Bàu Năng tại khu vực cầu K13 trên diện tích 3,5 ha. Trong văn bản có nêu “Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày cho chủ trương đầu tư, Công ty CP S.A.E không tiến hành thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai dự án, UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương đầu tư”. Đến nay, dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng đã thực hiện đến đâu?
Hơn 1 năm triển khai, dự án vẫn chưa khởi công.
Diện tích đất quy hoạch thực hiện dự án vẫn là đồng trống.
Đến giữa tháng 4.2012, thời gian trôi qua đã hơn 1 năm rưỡi kể từ khi UBND tỉnh có văn bản đồng ý chủ trương cho Công ty CP S.A.E đầu tư xây dựng TTTM-DV-CĐM Bàu Năng, hiện trạng khu vực thực hiện dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng như thế nào?
Về phần khu chợ đầu mối thì vẫn như cũ. “Nhà lồng” chợ vẫn là một dãy nhà chưa đến 10 căn lụp xụp để có chỗ chứa tạm hàng hoá, tránh nắng tránh mưa trong thời gian chờ xe tải đến chất hàng. Khi hàng hoá tập kết nhiều, những căn nhà chợ chật cứng phải chất cả ra sân và lấn cả ra đường. Khu chợ nằm gần đường 781 nên hàng hoá tập kết tại đây có khi vừa vi phạm lộ giới vừa vi phạm hàng lang bảo vệ an toàn bờ kênh chính Tây. Đặc biệt là đến giờ cao điểm, hàng hoá chất có khi lấn đến mặt đường nhựa, cộng thêm xe tải vào ra chất, chở khiến cho khu vực này không bảo đảm an toàn về giao thông. Còn khu vực 3,5 ha quy hoạch xây dựng TTTM-DV-CĐM Bàu Năng cũng chẳng có gì thay đổi, phía sau chợ tạm vẫn là những những khoảnh đất ruộng mênh mông. Khi được hỏi về việc triển khai Dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng, một số hộ tiểu thương cho biết chưa nghe thông báo về di dời để thực hiện dự án.
MB quy hoạch tỗng thể TTTM - DV - chợ đầu mối Bàu Năng.
Vì sao dự án chậm khởi công? Theo tờ trình của Công ty CP S.A.E ký vào đầu tháng 2.2012 thì “đến khi bắt tay vào thiết kế chợ, xét thấy yếu tố ô nhiễm hữu cơ tương đối lớn nên nhà đầu tư phải đưa chợ về phía sau, tạo quảng trường lớn trước mặt chợ nhằm ngăn cách giữa sinh hoạt chợ và sinh hoạt dịch vụ cộng đồng”. Đồng thời nhà đầu tư còn thiết kế thêm bãi xe lớn bên hông chợ nhằm kiểm soát tập trung ngăn nắp và hướng tới lâu dài. Riêng phần dịch vụ, nhà đầu tư cần không gian trống để làm bãi xe và công viên cây xanh, tạo bóng mát và cải thiện môi trường. Ngoài ra, do đất của dân ngoài dự án kéo dài nên khi sang nhượng lại người dân yêu cầu phải mua hết phần diện tích còn lại ngoài 3,5 ha quy hoạch. Do đó, Công ty CP S.A.E đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tăng quỹ đất- từ 3,5 ha lên gần 5,7 ha. Nếu được chấp thuận, Công ty sẽ tiến hành san lấp mặt bằng và khởi công dự án.
Về phía chính quyền địa phương thì sao? Theo ý kiến của lãnh đạo huyện Dương Minh Châu, huyện không hoàn toàn đồng tình với việc xin chủ trương tăng thêm diện tích của Dự án TTTM-DV-CĐM Bàu Năng. Bởi vì trong diện tích 3,5 ha được quy hoạch theo chủ trương cho phép đầu tư, nhà đầu tư chưa thoả thuận sang nhượng lại hết- trong đó còn một phần diện tích cặp đường 781 chưa thoả thuận đền bù, giải toả. Lãnh đạo huyện cho rằng không thể cho phép tăng thêm diện tích khi nhà đầu tư chưa triển khai hết diện tích đã được quy hoạch. Chỉ khi nào diện tích được giao đã triển khai hết mà vẫn còn yêu cầu mở rộng thì mới xem xét đến việc tăng diện tích.
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh đang tham khảo ý kiến của huyện và các ngành chức năng liên quan xem xét ý kiến đề xuất của chủ đầu tư để tham mưu trình UBND tỉnh quyết định.
Sơn Trần - Báo Tây Ninh - Cập nhật ngày: 20/04/2012
- Chúc mừng Đại Hội nhiệm kỳ IV (2016-2020) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 03/12/2015
- Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc bị đe dọa trước áp lực đô thị
- HỘI THẢO NGÀNH XÂY DỰNG PHÍA NAM
- ĐẠI HỘI NHÀ THẦU XÂY DỰNG LONG AN NHIỆM KỲ III
- Gói ưu đãi hỗ trợ tín dụng 50.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB)